Trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

TÔI LÀ NGƯỜI THẤT VỌNG

MỘT BUỔI SÁNG  

TÔI ĐÂY,THƯA CÁC BẠN :



BUỔI SÁNG MỖI NGÀY, TÔI THƯỜNG ĂN NHƯ THẾ NÀY :



VÀ UỐNG CHỪNG NÀY VIÊN THUỐC :



Tôi cũng đọc báo để biết Dương Chí Dũng đã  bị kết án tử hình, tên thiếu niên tàn ác, chặt tay người cướp xe SH cũng đã bị tuyên án tử hình.VV ...và VV... Sáng nay, trên FB lại nhìn thấy cái tin này , mà phải gồng mình mấy lần mới dám đọc kỹ.... :



Khoảng 20g ngày 22/12, cháu N. ấm ức khóc, không chịu ngủ. Vợ chồng anh chị D. dỗ dành và gặng hỏi, hứa là cho N. nghỉ học luôn và cháu đã khai ra chuyện “động trời”. Theo lời chị D., cháu N. kể: Một cô nắm hai chân để cô còn lại dùng tay chọt vào vùng kín. Hai cô còn cởi đồ bốn bạn nam và kêu các bạn dùng dương vật chọt vào vùng kín của cháu. Xong chuyện, cô dặn cháu không được về méc mẹ nếu không cô sẽ đánh đòn.



Nhà Trẻ BẢO NGỌC , nơi xảy ra sự việc trên


Tôi là người may mắn đi qua chiến tranh mà vẫn còn nguyên vẹn trở về, nhưng ngày ấy chúng tôi không bao giờ tửơng tượng được hòa bình sao lại có thể xấu xí đến thế được ! TÔI THẤT VỌNG TỪNG NGÀY TỪNG GIỜ và luôn cảm thấy CÁI SỐNG CÁI CHẾT NHƯ ĐANG BỠN CỢT QUANH MÌNH ..còn hơn cả trong chiến tranh !.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG NGÀY THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM 22 THÁNG12

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG - NIỀM TỰ HÀO CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM !








Tặng Nhật Lệ thêm 1 hình ảnh máy bay tiêm kích SU 30 của không quân VN !

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

CHUYÊN CƠ NGHIÊNG CÁNH





Xin giới thiệu với các bạn : Một thông tin  nửa của BA TÊ. Cứ đọc xem có cười được không ?




Nói đến chuyên cơ thì đầu tiên phải là Không lực 1- Chuyên cơ của tổng thông Mỹ, nó được coi như tòa Bạch ốc bay. Hay như chuyên cơ của Tổng thống Nga thì thôi rồi khỏi phải bàn, muốn biết chuyên cơ của hai tổng thống của hai quốc gia này như thế nào xin mời bà con google thì rõ.



Thế còn chuyên cơ phục vụ cho tứ trụ triều đình của Việt Nam thì sao? Mình tra google thì được biết Chuyên cơ Việt Nam là chuyến bay chuyên cơ do doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam tổ chức thực hiện trong, ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chuyến bay chuyên cơ có thể sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội có thẩm quyền xác nhận, thông báo để được phục vụ theo tiêu chuẩn chuyên cơ. Khách chuyên cơ đa phần là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.



Để thực hiện một chuyến bay chuyên cơ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, đơn vị của ngành hàng không như: Cục Hàng không Việt Nam, các cụm cảng hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Trung tâm Quản lý bay Dân dụng Việt Nam... Tất nhiên, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm một phần việc nào đó nhưng tất cả đều hướng tới sự an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.



Hiện Việt Nam vẫn chưa sản xuất hoặc đặt mua các tàu bay có thiết kế hiện đại phục vụ làm chuyên cơ như của nhiều nước khác trên thế giới mà đa phần chúng ta sử dụng máy bay thương mại làm nhiệm vụ chuyên cơ. Đối với các máy bay thiết kế riêng để chuyên làm nhiệm vụ chuyên cơ thì chẳng nói làm gì, còn các máy bay thương mại thì ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung của nhà sản xuất thì phải tuân thủ thêm nhiều tiêu chuẩn bổ sung thí dụ như quy định máy bay phải có hai động cơ trở lên, về loại động cơ lắp trên máy bay, về lịch sử khai thác, về phương tiện liên lạc với mặt đất, về thời hạn sử dụng theo thọ mệnh do nhà chế tạo đưa ra...



Hôm qua ngồi với một cơ trưởng các chuyên cơ phục vụ tứ trụ triều đình trong các chuyến công cán thì được nghe kể mấy chuyện nho nhỏ sau đây:



1- Lần chở bác cựu tổng Khỏe đi công cán về, đang ngủ gà ngủ gật, bỗng bác bừng tỉnh rồi hỏi “Ta đang bay trên không phận nào đây?” không lưu trả lời “ Ta đang bay trên không phận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Phấn khích quá khi được bay trên không phận đât nước của đông phương hồng, bác Tổng bèn đề nghị: “ Hãy chao cánh chào Đảng và đất nước Trung Hoa vĩ đại một vòng”. Vừa nghe thấy lời đề nghị của bác Tổng em hoảng quá, đường bay đang bình thường theo lộ trình được vạch sẵn, bây giờ muốn chao cánh liệng một vòng thì phải lấy cua, vòng rộng, tất nhiên sẽ chệch lộ trình, dưới đất họ thấy bất bình thường, nó tưởng lấy đà lao vào đâu đấy như vụ 11-9 nó bắn cho bỏ mẹ. Nhưng chiều lòng bác Tổng em vẫn phải nghiêng cánh bên này một phát, lại nghiêng cánh bên kia một phát để bác được chào một cái cho thỏa nỗi lòng.


2- Lần nữa cũng chở cụ Tổng Lú bay ngang bầu trời Trung Quốc, cụ tổng lại có một đề nghị tiếp âm cho cụ nói vài lời chào các đồng chí Trung Quốc anh em từ trên bầu trời của họ. Nói thật dưới đât nó chỉ theo dõi đường bay của mình, hơi đâu mà nó nghe người trên máy bay nói gì, nhưng chiều lòng cụ bọn em vẫn phát loa cho cụ được chào. Cụ chào rồi cụ nghe thế thôi chứ các đồng chí anh em 4 tốt của cụ làm gì mà nghe được, nếu muốn nghe được lời chào này chỉ có nước tắt mẹ nó máy đi, đâm đầu thẳng xuống đất nước Trung hoa vĩ đại cho nổ tan xác rồi lôi hộp đen ra thì chắc chắn các người bạn 4 tốt của cụ sẽ được nghe lời chào.

Hay thật đấy, các bác nhà mình mỗi lần bay qua không phận Trung Hoa đều nảy ra những sáng kiến thật là vĩ đại.





Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

NỖI BUỒN KHÔN NGUÔI.....



Màu tím hoa Mua

                                 

Xin giới thiệu với các bạn chuyện của Ba Tê ( Tạ Trọng Trí } trên FB . Ba Tê là em út Tạ Diệu Huyền. Chú ấy để tóc để râu trông già như anh cả. Thường ngày tính chú ấy hay vui đùa tếu táo. Bỗng nhiên gần đây cho ra bài CHI ƠI , một kỷ niệm thời trẻ làm nhiều người rơi nước mắt và tự nhiên mọi người có cái nhìn khác về con người này : Cái phần sâu sắc lâu nay đã được giấu kín... Thôi, để cho các bạn cứ đọc và cảm nhận !



CHÂN DUNG TẠ TRỌNG TRÍ ( BA TÊ )

CHI ƠI !

( Ở bên ấy, không biết Chi có đọc được những dòng này không ? ) 

Mình học lớp 8 năm học 1969-1970 ở trường Ngô Sỹ Liên (Bắc Giang), mình với hai thằng em con cô cùng học chung lớp 8E, buổi đầu vào lớp mình bị “soi” nhiều nhất (từ thày cô giáo đến các bạn) đơn giản vì mình là trai Hà Nội về học ở đây.

Một tuần, hai tuần rồi một tháng, hai tháng trôi qua mình dần quen với tất cả các bạn trong lớp, mình chợt nhận ra hình như lúc nào cũng có một ánh mắt ở đâu đó nhìn mình, mỗi lần cái cảm giác đó xuất hiện mình đảo mắt đi tìm và thường bắt gặp ánh mắt, kèm theo một nụ cười của Chi, cô bạn cùng lớp có nước da trắng và đôi mắt to, sáng, nhưng có một chút gì đấy buồn một cách lạ lùng. Từ đấy mình bắt đầu để ý và quan tâm đến cô bé có nước da trắng, đôi mắt to mà buồn ấy. Chi chơi thân với cái Thư (theo họ hàng thì Thư phải gọi mình là chú), đi đâu hai đứa cũng như hình với bóng, mặc giống nhau: áo nâu đậm, quần phíp đen hoặc áo xanh sĩ lâm quần lụa đen. Một hôm mình bảo Thư hôm nào đến nhà Chi chơi, nó bảo: “Vâng, hôm nào”.

Rồi cái ngày “hôm nào” ấy cũng đến, mình cùng với Thư đến nhà Chi chơi, nhà Chi ở ngõ ngay bên cạnh nhà thờ thị xã, Chi theo đạo thảo nào đôi mắt to và sáng như mắt Đúc mẹ Maria vậy, ngồi chơi một lúc Thư lẳng lặng bỏ về để mình ở lại. Lần đầu tiên hai đứa ngồi với nhau, mọi khi mồm mình như tép nhảy, hôm nay không hiểu sao chẳng biết nói gì. Sau vài câu thăm hỏi ngây ngô mình mới biết Chi kém mình hai tuổi, thì ra Chi học sớm một năm, mình học muộn một năm thế là phân vai anh em, xưng hô thoải mái, không còn phải mình mình, tớ tớ nữa. Quanh đi quẩn lại chuyện cái Thư, chuyện thằng Hiền nói ngọng, chuyện thày Kỷ dạy Lý hay, chuyện lớp mình…Mãi sau mới hỏi đến gia cảnh, rồi hỏi nhà đi đâu hết cả mà vắng thế?

Và mình được nghe Chi kể:  nhà Chi có ba anh em, anh Vượng (anh cả) đi bộ đội năm 1966 đang ở chiến trường miền Đông Nam bộ, lâu lắm không có tin tức gì, năm 1967 sau một loạt bom đánh phá cầu sông Thương, một chiếc máy bay Mỹ trúng đạn bị thương nó liền trút bừa số bom còn lại vào khu chợ và nhà thờ thị xã để tháo chạy, bố Chi trúng bom mất ngay lúc ấy, mẹ bị thương nặng, hai ngày sau cũng theo bố về bên kia, chỉ còn hai chị em Chi đi sơ tán bên Quảng Phúc là sống sót. Từ đấy chị Lan (hơn Chi 7 tuổi) vừa là chị, vừa làm mẹ cùng với các bác, các cô hai bên nội ngoại nuôi Chi đến giờ. Chị Lan hiện là công nhân nhà máy Phân đạm, đi làm ca kíp nên chỉ có mình Chi ở nhà.

Ngồi nghe Chi kể với giọng đều đều, bỗng dưng mắt mình thấy cay cay, nhìn vào mắt Chi, đôi mắt to đượm vẻ buồn buồn cũng hoen hoen ướt. Mình dồn hết can đảm, tim đập thình thịch cầm lấy hai bàn tay của Chi, tay Chi mềm và ấm lạ, Chi cứ để yên hai bàn tay trong tay mình và nhìn thẳng vào mắt mình như muốn chờ mình nói điều gì, mình nói :” Xin lỗi Chi, vì anh không biết, không biết câu chuyện của gia đình, nên đã làm Chi buồn.”. Nói rồi mình ôm xiết Chi vào lòng, một lúc sau như giật mình Chi đẩy mình ra và nói “ thôi anh, nhỡ ai nhìn thấy bây giờ”.

Lần đầu gặp nhau, lần đầu hai đứa nói chuyện với nhau như thế đấy, cho đến bây giờ nhớ lại mình vẫn không thể quên cái cảm giác lần đầu cầm bàn tay em, lần đầu ôm em vào lòng….Chuyện của mình với Chi chỉ có cái Thư biết, mình phải dặn nó cấm không được bép xép, nhỡ lộ ra thì chết, cái Thư nhăn nhở cười “ Chỉ cấm không thôi à? Còn lâu nhé”, “Được rồi lại muốn hối lộ phải không?”- mình hỏi - nó cười khì khì.

Từ đấy, mượn cớ học bài, học nhóm mình hay qua lại nhà Chi, không chỉ chị Lan quý mình mà cả anh Thắng người yêu chị Lan cũng quý mình ra mặt, tháng 5-1970 anh Thắng nhập ngũ, tối hôm trước ngày lên đường anh nói với mình: “Này cu cậu, cái Chi là nó thích cậu lắm đấy nhé, nếu cậu cũng thích nó thì cứ liệu cái thần hồn, trông cái mặt cậu thế kia, con gái đứa nào mà yêu cậu thì sẽ khổ lắm đấy, nhưng với Chi thì đừng làm nó khổ thêm nữa, nhớ chưa?”.

Mình nói bọn em còn bé mà anh…

      *
*          *

Thấm thoắt năm học qua đi, lên lớp 9 mình chuyển về Hà Nội, nhưng mình vẫn giữ mối quan hệ với Chi bằng thư từ qua lại, hè đến mình lại xin phép ba mợ cho lên Bắc Giang thăm cô, nhưng thực ra là thăm Chi, gặp nhau thấy Chi vui, đôi mắt to lấp lánh hết vẻ u buồn, Chi khoe vừa nhận được liền một lúc năm cái thư của anh Vượng, rồi chị Lan cũng nhận được tin anh Thắng ở chiến trường Tây Nguyên gửi về, Chi lại nướng ngô, nướng sắn hai đứa ăn với nhau, rồi mình với Chi ra nghĩa trang Dĩnh Kế thắp hương lên mộ của bố mẹ Chi…

Hồi ấy cũng lạ, mình chỉ dám cầm tay thế thôi (duy nhất chỉ có một lần ôm Chi vào lòng như đã kể ở trên), lúc chia tay ra về cũng thế, chỉ có cầm tay rồi nói “anh về, khi nào có thể anh lại đến với Chi” tình cảm bọn mình ngày ấy trong sáng vô cùng , tuyệt nhiên không dám hôn em lấy một lần dù chỉ vào trán hay vào má, không ít lần mình đã quyết định hôm nay phải liều một phát, nhưng khi cơ hội đến thì lại chả dám hôn, chán thế.

      *
*          *

Năm học hết lớp 10, thi tốt nghiệp xong thì tổng động viên, mình đi bộ đội, trước khi nhập ngũ mình không báo cho Chi biết. Mãi đến khi lên đơn vị huấn luyện, có địa chỉ cụ thể mình mới viết thư cho Chi. Lúc này Chi đã học ở trường sư phạm 10+2, viết thư cho mình Chi trách sao không cho Chi biết mình đi bộ đội. Mình huấn luyện 3 tháng ở Mai Sưu (Hà Bắc) hầu như tuần nào cũng nhận được thư của Chi, Những ngày huấn luyện gian khổ, (mình là con trai Hà Nội, từ bé đã bao giờ phải mang vác nặng , đã bao giờ phải vào rừng chặt tre, nứa về tự làm lán trại lấy mà ở,  rồi hành quân dã ngoại, tập bắn ngày, bắn đêm, nào là đào giếng, trồng rau…..) nếu không có thư của Chi thường xuyên động viên, gửi gắm nỗi nhớ, niềm tin có lẽ mình đã gục ngã.

Tháng 10-72 chuẩn bị đi B, một hôm đang ngồi đan giỏ đựng gạch để hành quân dã ngoại, bỗng thằng Hà “tai vểnh” chạy vào gọi mình bảo ra nhà khách có người nhà gặp, mình nghĩ ba mợ vừa lên thăm cách đây mấy ngày sao hôm nay lại lên nữa? Chạy một hơi ra nhà khách, mình bỗng đứng sững lại, không thể tin được, trước mặt mình là Chi và chị Lan, thế rồi mình ôm chầm lấy chị Lan, ôm chầm lấy Chi, Chi đấm mình thùm thụp nói “ghét anh lắm, ghét anh” rồi gục vào vai mình nức nở, đôi mắt to ướt nhoèn. Mình hôn Chi, nụ hôn đầu tiên mình và Chi giành cho nhau với vị mằm mặn của nước mắt trước sự chứng kiến của chị Lan. Chị Lan nhìn bọn mình mỉm cười, mắt ngân ngấn ướt rồi ngoảnh mặt đi…

Chị Lan nói: Chi nó nhận được thư em báo sắp đi B, nó nằng nặc bắt chị phải đi cùng nó lên thăm em, nếu không nó sẽ đi một mình, thương nó lại cũng nhớ em, chị thu xếp được 2 ngày lên thăm em, thôi hai đứa nói chuyện với nhau, chị đi làm thịt con gà để mấy chị em mình liên hoan.

Mình dắt Chi ra đồi phía sau nhà khách hái tặng Chi một nhánh hoa mua, Chi bảo hoa mua này ở chỗ trường Chi học nơi sơ tán nhiều lắm nhưng Chi không thấy đẹp, sao hôm nay hoa mua anh hái tặng Chi lại có màu tím biếc, lại mượt như nhung và đẹp một cách lạ lùng thế này? Mình bốc phét bảo hoa mua chỗ trường Chi là hoa mua hoang dại, còn hoa mua này là tự tay anh trồng, biết rồi thế nào cũng có ngày Chi đến đây, anh sẽ đem “bán” để Chi “mua” nên nó tím hơn, mượt hơn, đẹp hơn là thế, Chi lại đấm mình thùm thụp  nói “Ghét anh, ghét anh”, rồi Chi bảo: “Hoa này Chi “mua” về, sẽ ép vào nhật ký để mỗi khi nhớ đến người “bán” thì dở ra xem cho đỡ nhớ”.

Tối hôm ấy, mình với thằng Hà, thằng Tiến (tổ 3 người bọn mình) ngồi ăn cơm cùng với chị Lan và Chi, hai thằng kia cứ khen Chi xinh, rồi lại khen mình với Chi đẹp đôi làm Chi xấu hổ, còn mình thì mặt vênh lên ra cái điều tao trên hai đứa chúng mày một bậc. 8 giờ tối thằng Đạt - liên lạc đại đội - ra nói nhỏ với mình có thể đêm nay sẽ báo động hành quân dã ngoại, có lẽ mày phải chia tay người nhà đi sáng mai không có ở doanh trại mà chia tay được đâu . 9 giờ kẻng điểm danh trước giờ đi ngủ mình phải vào doanh trại, chia tay hai chị em Chi mình nói có thể đêm nay phải hành quân dã ngoại (vì đã rập rình từ mấy hôm nay rồi), nếu sáng mai mình không chia tay được thì coi như chia tay luôn, nói rồi mình bắt tay chị Lan và một lần nữa mình ôm Chi, hôn vội một cái rồi quay đi luôn, không muốn nấn ná ở lại sợ Chi khóc.

Y như rằng, 2 giờ đêm hôm ấy báo động dã ngoại, mình không gặp lại Chi nữa.

      *
*          *

Tháng sau đi B, vào đến chiến trường, việc đầu tiên là thư về cho ba mợ, cho Chi. Mặt trận càng xa, thư từ càng thưa dần, phần vì bom đạn, phần vì thất lạc, thư ra đã khó, thư vào còn khó hơn. Mỗi lần thư ra cho Chi mình đều viết trong thư gọi Chi là “cô giáo” xưng “em” rồi không quên bắt “cô giáo” chấm điểm cho những lá thư mình gửi.

Tháng 1-73 nhận được lá thư đầu tiên của Chi từ ngày đi B (thư đề ngày 25-11-72), trong thư Chi viết có đoạn: “…mỗi lần nhận được thư của “em” chưa kịp đọc nội dung thư viết gì “ cô” đã thầm trao cho “em” điểm 1000 (nếu có thang điểm ấy) và kèm theo mỗi điểm là một nụ hôn…”
Năm ngày sau lại nhận được 1 thư nữa (thư đề ngày 8-12-72), Chi báo tin dữ cho mình:”… hôm qua các anh bên Thị đội đến nhà gặp chị Lan và em đau đớn báo tin anh Vượng không còn nữa, giấy báo tử ghi anh đã hy sinh ngày 14-8-1971 tại mặt trận phía Nam, mặt trận phía Nam là ở đâu hả anh? Nơi ấy có phải là nơi anh đang sống chiến đấu không? Tại sao? Em không thể cắt nghĩa được tại sao những gì bất hạnh nhất của chiến tranh lại cứ đổ dồn vào ngôi nhà bé nhỏ của em? Bây giờ em chỉ còn có chị Lan và anh thôi, nếu anh có mệnh hệ gì em sống làm sao nổi, cho nên hãy vì em, anh nhớ giữ gìn sức khỏe, cầu mong cho mũi tên hòn đạn nó tránh xa anh ra. Em chờ anh, dù có thế nào em cũng chờ anh….”
      *
*          *

27-1-1973 Hiệp định Pari về chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, bọn mình phấn khởi lắm tưởng như hòa bình đã ở trong tầm tay, thư cho Chi mình viết “… thế là chiến tranh chấm dứt, một ngày không xa nữa anh sẽ về với Chi…”
Thư nhà lâu lâu nửa năm còn nhận được, nhưng thư của Chi sao lâu quá chẳng thấy đâu? Sang hết cả 1974 cũng bặt tin, năm 1975 vào chiến dịch, suốt từ tháng 1 đến tháng 3-75 hết cao điểm O Duệ, Con Gà, 303, thuộc dãy An Hô đến Động Chuồi…đơn vị mình chết nhiều lắm, điểm không lấy được rút về Alưới bổ xung thêm quân đánh tiếp, nhưng có lẽ lời cầu nguyện của Chi “cầu mong cho mũi tên hòn đạn nó tránh xa anh ra”  đã vận vào mình, cho nên mình chỉ bị xây xước nhẹ ở phần mềm thôi, may thế.

      *
*          *

Rồi ngày 30-4-75 đã đến, cuộc chiến kết thúc, chưa được tận hưởng niềm vui chiến thắng, theo lệnh điều động của trên, đơn vị mình lại tiến lên cao nguyên Lâm Đồng truy quét Pulrô, mãi đến 10-76 mới được ra Bắc.

      *
*          *

Về phép, gặp ba mợ, anh trai, hai anh rể cũng từ chiến trường ra, có lẽ nhà mình là một trong những trường hợp hiếm hoi trên dải đất Việt Nam này vào thời chiến : bốn người ra trận, ngày về còn nguyên vẹn cả bốn.

Mấy ngày sau mình lên Bắc Giang, tìm đến phố Nhà thờ, cái ngõ nhỏ quen thuộc năm xưa sao giờ khác lạ, ngôi nhà của Chi không còn nữa, thay vào đấy là ngôi nhà mới, xây bằng gạch ba banh (gạch đúc bằng xỉ than và vôi). Hỏi thăm nhà chị Lan, mọi người mới bảo “ Lan Thắng phải không? Cô chú ấy chuyển vào trong Phân đạm từ năm ngoái rồi, muốn tìm nhà hả, anh cứ đi qua sân vận động thị xã, băng qua đường tàu khoảng 500m hỏi là ra ngay”.

Tìm được đến nhà, gọi cửa, chị Lan từ trong nhà lật đật chạy ra, nhìn thấy mình, chị bỗng khụy xuống, rồi lại đứng lên hai ba lần, không nói năng gì cả, lát sau chị ôm chầm lấy mình rồi nức nở: “Em, em ơi..”.

Chị Lan kể: năm 1973 chiến tranh kết thúc trên miền bắc cũng là năm Chi được trường cho về thực tập (còn gọi là “giáo sinh”) ở trường cấp I-II Phi Mô, sau chiến tranh phá hoại cơ sở vật chất có gì đâu, hầu như các trường đều phải huy động nhân dân đóng góp, người thì cây tre, cây xoan, tấm ván, bàn ghế cũ…. Trường lớp hầu như chỉ còn lại  nền nhà cũ, chủ trương của ty giáo dục phổ biến xuống từng trường là khẩn trương tận dụng những vật liệu sẵn có, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân dựng lại lớp học cho học sinh đến trường bằng lán tranh tre dùng tạm. Giáo viên thì tranh thủ những ngày nghỉ cắt cỏ tranh, cuống rạ đánh tấm để lợp nhà ở, lợp lớp học. Ngày 21-3-73 được nghỉ, lẽ ra Chi về với chị nhưng nó bảo phải ở lại trường cắt cố ít cỏ tranh về lợp lớp học, rồi hẹn tối muộn mới về. Đang cắt cỏ tranh, một cô giáo khác cũng cùng cắt cỏ gần Chi đụng phải quả bom bi còn sót lại , quả bom nổ làm cô giáo và Chi chết ngay…. Nghe đến đây mắt mình bỗng tối xầm lại, bầu trời quay cuồng như muốn đổ sập xuống … Chi ơi…

Bất giác mình nhìn lên tường thấy bức ảnh của Chi được lồng trong khung kính, đôi mắt to, đượm vẻ buồn buồn như muốn nói: “ Em xin lỗi, xin lỗi anh vì đã không đón anh ngày trở về…”

Chị Lan đưa mình ra nghĩa trang, mộ Chi nằm ngay bên cạnh bố mẹ, mình thắp hương cho Chi rồi hái một khóm hoa mua cắm lên mộ em, sau đó mình khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Mãi sau chị Lan đến bên mình và nói: “Về thôi em”. Tối hôm ấy chị Lan đưa cho mình một gói nhỏ được bọc kỹ trong một túi nilon và nói “Đây là toàn bộ những gì gọi là kỷ niệm còn lại của Chi, chị trao lại để em giữ”. Mình mở ra xem bên trong là một quyển nhật ký, và 42 bức thư mình đã gửi cho em.

Từ đấy, trong giấc ngủ mình luôn mơ thấy Chi hiện về với đôi mắt to, đượm buồn chỉ nhìn mình mà không nói. Mình nghĩ chắc linh hồn Chi chưa được siêu thoát. Ngày giỗ Chi 21-3- 78, mình quyết định đem toàn bộ kỷ niệm còn lại của Chi cùng với 39 lá thư Chi gửi cho mình lên nghĩa trang nơi Chi yên nghỉ, mình hóa gửi hết về bên ấy cho Chi. Kỷ vật duy nhất về Chi còn lại đến bây bây giờ là những cánh hoa mua mỏng manh, màu tím đã phai nhạt, nhưng trong veo được ép trong quyển nhật ký. Cánh hoa mua mà ngày nào mình đã “bán” để em “mua”.

Hà Nội, tháng Sáu (trời mưa) năm 1980 –

( “Bà lão” nhà mình bây giờ cũng tên là Chi, không hiểu có phải do Chi sắp đặt không? Chả biết nữa)
Bottom of Form



Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

KỶ NIỆM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA









       Tự nhiên laị mở điã hát " Những tình khúc Nga vượt qua thế kỷ" trong đó có bài "Hắc Hải cuả tôi" do các nghệ sĩ VN hát bằng tiếng  Nga. Bỏ qua những lỗi phát âm giống như ông Tây bà Đầm hát bài hát ta, tự nhiên :"Biển bờ còn chói sáng trong đêm..." gợi lại một thời xa xưa khi bên cạnh việc trau dồi kiến thức , còn được sống giữa cộng đồng Nga như sống tại quê nhà..Chuyện "nhỏ" xẩy ra ngay bên bờ Hắc Hải. Nhìn trên tờ lịch vẫn là tháng11 và ngày mồng 7 thì đã qua mấy hôm rồi... và cái "ngày xưa" ấy, thì còn xa hơn nhiều nưã!..




                                          TRÁI NGỌT

      Hồi còn học tại Liên xô, trong một lần đi nghỉ hè ở Evpatoria-Crime, làm quen được một cô gái Nga tên là Rita. Rita tóc ngang vai, màu hạt dẻ sáng, không cuộn thành lọn quăn như người ta, mà lại để suông như con gái phương Đông. Đôi mắt to vưà, xênh xếch, thì màu sám hơi da trời. Cô cao 1,64m, (bằng nhau!). Có lẽ cũng còn cần độn gót lên thêm, để cho cao hơn cô một chút (ở đây con trai mà lùn là khổ)  Còn dáng đi của cô thì đúng là kiệt tác của trời…Con gái “sông Đông êm đềm” thì cũng chỉ đến thế là cùng, nhất là lại đi giày đế mềm, bằng như giày ballet, để  khi đi cô chỉ nhè nhẹ lướt  trên đầu những ngón chân , như trong một vũ điệu nào đó…

     Cô đang theo học ở một trường trung cấp ngòai trung tâm, cứ chiều chiều mới đi xe búyt về nhà. Để đón cô thì đến bến xe ngay trước một cửa hàng bán đầy hoa tươi. Hai đứa đi chơi lang thang ngoài bãi biển, lượm vỏ sò, vỏ hến, đá cuội, rồi lại tung trả chúng cho biển… đến tối mới về. Không dám đi khuya, sợ…má la! Nhiều lúc chỉ dắt tay nhau đi trong im lặng. Người ta nói tình yêu đến với người con gái bằng tiếng nói, trường hợp này là không như thế! Người đi bên cạnh ít lời đã đành, Rita cũng nói rất ít , chỉ lâu lâu xiết nhẹ bàn tay lạ đang đan ngón với những ngón tay mình. Không biết có phải cô thông cảm cho người “nước ngoài” còn hạn chế “ngôn ngữ” này chăng? Cũng có đôi khi ghé sát tai kể chuyện gì đó, nhưng tiếng sóng biển , tiếng gió, và cả tiếng con tim ồn ã át lời, hầu như không cho nghe thấy gì cả ; có lẽ cô phải nói một chút, chỉ để tự trấn an mình, lâu lâu nhìn vào ánh mắt nhau mà hiểu , và bất ngờ bắt gặp một điều gì đó từ cô, thật âu yếm… Hai đứa mới chỉ 21,22 tuổi, và chắc là đang bị “trời đánh”!

     Mùa hè, ngày khá dài, 9, 10 giờ đêm mới tối. Lần nào cũng như lần nào, khi phố xá đã lên đèn một lúc lâu, dù có nấn ná thế nào để được trọn vẹn bên nhau trong bóng đêm, thì cuối cùng cũng phải dùng dằng tiễn về tận nhà trên sườn núi. Ở đây núi giáp biển, nên nhà chỉ có thể ở trên sườn núi. Trên ấy người ta trồng rất nhiều một loài nho tên là… “Không tên”, mà không một thứ “có tên” nào vượt qua nổi : quả tròn no, tím ngắt , ngọt lịm và thoang thoảng mùi thơm lạ…

      Một lần trên đường về nhà, đang đi, thì Rita bỗng cao hứng, xui vào hái trộm nho trong một cái vườn trên bờ đá lổn nhổn cao ngập đầu, rào khá sơ sài. Vừa leo đến nơi thì bỗng chó sủa rộ lên. Rita cuống cuồng, nén giọng gọi như kêu cứu : xuống, trời đất ơi, xuống! Trời thì tối, đất thì xa, chó thì sủa, vội vơ quáng quàng một chùm nho năm mười quả gì đó, đung đưa ngay trước mũi, rồi nhẩy đại xuống, không kịp nghĩ đến què chân, cùng nhau chạy chí chết.

     Hai đứa cố bươn ngược dốc về gần đến nhà. Khi đã xa tiếng  sủa rồi, mới dừng lại, thở không ra hơi. Xem lại chùm nho, thì mải chạy quá, làm rơi rụng hết, chỉ còn một quả trong tay đưa cho Rita. Rita cắn đôi, nhai nhai một nửa, còn  nửa kia, bảo mở miệng ra, nhón tay, đặt nhẹ vào đầu lưỡi đang chờ. Cùng lúc chun cái mũi lại làm “xấu”, hai chân cô chụm vào nhau, và cứ thắc thỏm nhún nhẩy như kìm nén một “bí mật” nghịch ngợm nào đó, để khỏi phá lên cười… Xong !  Đứa trước, đưá sau giưã trời tối, đều đã biết là quả nho còn…xanh. Cô thấy người ta “tỉnh bơ” nhai như ngon lành lắm, bèn lẳng lặng, lấy ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay, áp thật lâu lên môi mình, rồi gắn nụ hôn “gửi” ấy cũng thật lâu lên đôi môi “tội nghiệp” của người đối diện. Tòan thân nóng ran, họ ôm chòang lấy nhau và lần đầu tiên người con trai biết thế nào là làn môi diụ dàng và mùi hương con gái giưã bóng đêm có muôn ngàn vì sao mùa hè lấp lánh trên đầu và những chùm đèn nhiều màu lung linh phía xa… Hắc Hải đen huyền, đang rì rào trào lên những đợt sóng lân tinh, vang vọng trong gió, tiếng nghe như tự đáy lòng, nên thật gần…

    Nụ hôn thật, có vị nho xanh “viễn xứ” ngây ngất, lịm ngọt đến… nhớ đời.
                                                                                                 PĐĐ                                                                                                                    

·         Kỷ niệm Nga



Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

NỎ THẦN HAY NIỀM TIN

 Tôi đã thay đổi tiêu đề bài này cho phù hợp với blog của mình. Xin cáo lỗi cùng tác giả Hồng Giang !





Người xưa, Triệu Đà rõ biết chẳng thể dùng tiền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của một nước mà phải dùng nội gián phá vỡ khối đoàn kết từ bên trong. Hay nói cách khác là không thể dùng tiền mua được nỏ thần mà phải trộm cắp nỏ thần. Thêm nữa, Triệu Đà đã gặp may khi đối thủ An Dương Vương quá đỗi tự mãn, dễ dàng sa ngã vào lòng tham, cám dỗ dục vọng và mắc rất nhiều sai lầm khi điều hành, quản lý đất nước qua cách hành xử độc tài, bảo thủ, cực đoan, chuyên quyền,…; nội bộ cộng đồng Âu Lạc dễ bị thao túng, chia rẽ cũng do nơi lòng tham, sự ích kỷ, sự hiểu biết chủ quan, nông cạn,…Có lẽ, Triệu Đà cũng rõ biết “Nếu dùng tiền mua được nỏ thần của An Dương Vương thì hẳn là An Dương Vương đã có rất nhiều súng thần công…

Còn nhớ chuyện hàng ngàn năm về trước. Vua An Dương Vương được Thần Kim Quy trao cho nỏ thần để bảo vệ đất nước. Lúc bấy giờ, Triệu Đà là kẻ muốn xâm chiếm thành Cổ Loa nhưng sau nhiều lần liên tiếp tấn công đều chuốc lấy thất bại ê chề. Do biết An Dương Vương có báu vật trấn quốc - nỏ thần Triệu Đà đã giở thủ đoạn cầu hòa bằng việc đưa con trai Trọng Thủy sang làm con rể An Dương Vương nhằm mưu đồ trộm cắp nỏ thần. Gian kế thành công, Triệu Đà trộm được nỏ thần đã kéo đại quân sang nhấn chìm thành Cổ Loa trong biển lửa. Việc mất nỏ thần, mất nước khiến An Dương Vương phẫn uất chém đầu công chúa Mỵ Nương rồi tuẫn tiết.
Câu nói sau cùng mà vua An Dương Vương nghe thần Kim Quy nói là “Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó” để rồi An Dương Vương vung một nhát kiếm cắt lìa đầu công chúa Mỵ Châu. Có thể xem đây là một nhát kiếm oan nghiệt, đầy tội lỗi. Là đỉnh cao thành công của gian kế chia rẽ sự đoàn kết ở đất nước Âu Lạc khiến người cha phải tự tay giết chết người con ruột thịt, máu mủ.
Câu nói Thần Kim Quy từng nói “Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó” đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Hãy khai quật nấm mồ lịch sử để xem ai đúng, ai sai?
Ở góc nhìn hạn hẹp, bạn sẽ thấy An Dương Vương giết Mỵ Châu là đúng với câu gợi ý của Thần Kim Quy.
Nhưng khi mở rộng vấn đề trên phương diện tổng thể thì bạn sẽ nhận ra An Dương Vương đã sai hoàn toàn, càng làm, càng sai. Và … sự u mê, mù quáng lý trí, tình cảm đã khiến An Dương Vương hiểu sai lời gợi ý của Thần Kim Quy.
Nỏ thần mất, nước mất không do nơi công chúa Mỵ Châu mà do An Dương Vương quá tự cao, tự đại, chủ quan, khinh suất việc phòng bị. Kể từ khi kết thông gia cùng Triệu Đà đã tự mãn, không còn thao lược quân sĩ mà mãi lo đàn ca, hát xướng, ăn chơi, hoang đàng khiến tinh thần đoàn kết quân dân bị đứt gãy. Và… đến khi Triệu Đà đem quân đánh sang, Trọng Thủy làm nội ứng thì thành Cổ Loa mất là lẽ đương nhiên và là việc ngoài tầm của Mỵ Châu.
Lấy chồng thì phải theo chồng, gia quy phong kiến đã vậy thì bảo Mỵ Châu làm sai thì thật rất miễn cưỡng. Thế nên “Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó” mà An Dương Vương ra tay sát hại con thì đủ thấy tầm nhìn của An Dương Vương quá ư kém cỏi. Từ đầu đến cuối, lỗi lầm do một tay An Dương Vương gây nên mà lại đi giết chết con thì thật quá thiển cận, ngu muội.
Nhìn lại sau lưng là nhìn lại những việc mình hoặc những người đi trước đã làm để nhận biết những việc gì đúng, những điều gì sai, chưa ổn ngõ hầu ra sức sửa sai hoặc làm tốt hơn chứ không phải nhìn ra phía sau để thấy Mỵ Châu rồi giết. Trên thực tế, công chúa Mỵ Châu không thể đưa nỏ thần cho Trọng Thủy.
Vì sao không có việc Mỵ Châu trao Trọng Thủy nỏ thần?
Vì nỏ thần vốn không có thật. Hay nói đúng hơn là nỏ thần không phải là một hiện vật hữu hình.
Tôi đã dựa vào điều gì để xác thực lại Truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương?
Tôi dựa vào sự thật là không thể có sự tồn tại của chiếc nỏ thần vật chất. Đã từ lâu chúng ta chỉ dựa vào “tai nghe, mắt thấy”, dựa vào hiện tượng mà không nhận diện bản chất vấn đề, chúng ta đã lười biếng tư duy nên góc đánh giá vì thế cũng lệch lạc, sai lầm.
Nỏ thần là gì?
Nỏ thần vốn là tinh thần đoàn kết dân tộc của người Âu Lạc xa xưa. Một tinh thần đoàn kết vững chắc, kiên định khiến giặc ngoại xâm hùng mạnh phương bắc không thể đô hộ. Triệu Đà sau nhiều lần xâm chiếm không thành đã đưa Trọng Thủy sang cầu thân nhằm mục đích đánh tan sự cảnh giác của An Dương Vương cùng người dân Âu Lạc. Kết quả là An Dương Vương đã tự rơi vào quỷ kế của Triệu Đà, chỉ vài lời tâng bốc, tán dương đã khiến An Dương Vương trở nên tự mãn, ngủ vùi trên chiến thắng và những cuộc ăn chơi vô độ, thâu đêm đã phá hoại sức khỏe, tinh thần đoàn kết của người Âu Lạc. Đến khi thời cơ chín muồi thì một lần tiến quân Triệu Đà đã đánh tan đoàn quân rệu rã tinh thần chiến đấu của An Dương Vương.
Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó - Chính là những việc mà mỗi người đã từng làm chứ không phải đó là thằng hàng xóm hay công chúa Mỵ Nương… gây ra. Bạn đừng hiểu lầm mà hỏng việc.
Nỏ thần An Dương Vương là một bài học lịch sử chứ không chỉ là truyền thuyết. Người xưa đã thi vị hóa câu chuyện khiến người đời nay cứ ngỡ là một truyền thuyết không có thật. Người xưa đã không dám nói thẳng sai lầm của An Dương Vương vì vua bênh đằng vua, quan bênh đằng quan,… sơ sẩy là đầu lìa khỏi cổ.
Nỏ thần vốn không phải là vật thật mà là tinh thần đoàn kết dân tộc chặt chẽ, bền vững. Triệu Đà vốn thâm hiểm, sau nhiều lần tiến đánh thất bại đã nhận biết chẳng thể xâm chiếm Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự nên đã đưa Trọng Thủy sang để tạo sự chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ cộng đồng người Âu Lạc.
Người xưa, Triệu Đà rõ biết chẳng thể dùng tiền chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của một nước mà phải dùng nội gián phá vỡ khối đoàn kết từ bên trong. Hay nói cách khác là không thể dùng tiền mua được nỏ thần mà phải trộm cắp nỏ thần. Thêm nữa, Triệu Đà đã gặp may khi đối thủ An Dương Vương quá đỗi tự mãn, dễ dàng sa ngã vào lòng tham, cám dỗ dục vọng và mắc rất nhiều sai lầm khi điều hành, quản lý đất nước; nội bộ cộng đồng Âu Lạc dễ bị thao túng, chia rẽ cũng do nơi lòng tham, sự ích kỷ, sự hiểu biết chủ quan, nông cạn,…
Có lẽ, Triệu Đà cũng rõ biết “Nếu dùng tiền mua được nỏ thần của An Dương Vương thì hẳn là An Dương Vương đã có rất nhiều súng thần công.
Ngày nay, con người thông minh, nhiều hiểu biết hơn xưa nhưng do chủ quan, độc tài mà quên vội những bài học quý cổ xưa.
Mua nỏ thần ư? Được không?
Có lẽ mua được nhưng đó là chiếc nỏ thần bằng vật chất, nó không có là bao giá trị, không có nhiều ý nghĩa cho khối đoàn kết dân tộc, khối đoàn kết toàn đảng, toàn dân. Thậm chí là chính do sự khuất tất của việc mua sắm nỏ thần; sự độc tài, bảo thủ, giả trá,… ở một nhóm người càng khiến cho sự chia rẽ nội bộ, chia chẻ khối đoàn kết dân tộc. Và … đất nước sẽ về đâu khi lòng người ly tán, niềm tin gửi nơi giới lãnh đạo không còn nữa.
Mai này, con người sẽ khe khẽ hát “Niềm tin, niềm tin ơi! Niềm tin ở nơi đâu?”. Tin vào điều gì khi mọi thứ xung quanh đều chứa đựng sự giả dối, lọc lừa,… Vậy thôi! Ích kỷ, sống im lặng, giữ mình. Chuyện không dính đến quyền lợi của ta là chuyện của thiên hạ, không nên dính vào mà thiệt thân,… Khi đó, người đời lại mắng cho “Ngu mà chết”. Khi mọi người dân, mọi thành phần, tầng lớp xã hội đều sống trong mô hình sống lý tưởng - lòng tham, tính thực dụng, sự ích kỷ,… giặc cướp vào nhà, chiếm nước mà vẫn bàng quan, hờ hững,… thì nước nhà còn lại gì? Hãy nhắm mắt lại và dệt một giấc mơ đẹp - Điều đó sẽ không xảy ra và chôn vùi cuộc đời mỗi người trong giấc mơ phù phiếm, vô thường đó.
Và người đời nay nếu mua được nỏ thần thì hẳn nước bạn đã có vô số súng thần công trấn giữ. Mua đồ phế thải về để nấu đồng thì hãy nên mua đồ đồng thì mới được việc. Đừng tự “lừa mình, dối người”, đánh cắp niềm tin của nhau dẫn đến việc “Tiền mất, tật mang”. Đất nước sẽ khó thể phát triển ổn định, bền vững khi lòng người nhiều hoài nghi, sống ích kỷ, tham lam và thực dụng; giới chính khách thì độc tài, bảo thủ và chuyên quyền.
Đất nước sẽ về đâu khi khối đoàn kết toàn dân rời rã, chia chẻ mà không còn sự gắn kết?
Hãy trân trọng người như trân trọng chính mình! Đó là giá trị của mỗi con người và đó là điều mà những người làm công tác quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước cần nên gìn giữ, bảo nhậm.

...
Khi mọi thứ vượt giới hạn, rối như tơ vò thì sẽ có một gã khờ nào đó ngồi chết lặng rồi nhận ra 1 sự dối lừa, 2 sự dối lừa, 3 sự dối lừa,… Sau khi lần ra mọi đầu dây, mối nhợ gã khờ tự nói với lòng “Thì ra bản chất của mọi vấn đề nơi xã hội là sự dối lừa, là không đáng tin”. Nhưng gã khờ vốn không là người kín miệng thế là gã đi rêu rao cho mọi người cùng biết; có những điều gã khờ nói đúng khiến mọi người suy ngẫm và nghĩ đến việc tự đổi thay và một tất yếu nơi cuộc sống là xã hội loài người cần đổi thay, không thể sống trong dối lừa, giả trá mãi. Và … nếu những nhà quản lý xã hội, những nhà lãnh đạo đất nước cũng như thế giới không sớm thức thời để đổi thay cách thức quản lý xã hội dựa trên sự dối lừa, giả trá, ngụy tạo giá trị,… thì việc bị đào thải khỏi xã hội là điều hoàn toàn tự nhiên, đúng mực. Khi con người không sống bằng sự thành tín và bị nhận diện thì sẽ không còn người ủng hộ, tôn trọng nữa. Niềm tin không còn thì có tồn tại, có sống thì cũng là đồ thừa, là phế vật đáng bỏ đi của con người.
Nhìn lại lịch sử thăng trầm ở các nước từ lâu xa mỗi người sẽ tự có câu trả lời. Hy Lạp, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Italy, Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,… tất cả đã từng là những đế chế hùng mạnh và không ít trong số đó đã từng lụn bại, tan rã hoặc đang ngụp lặn trong bối cảnh xã hội hiện tại. Đó là do nơi niềm tin bị đánh cắp. Khi niềm tin không còn thì một tất yếu lịch sử sẽ diễn ra - Sự đổi thay. Và … sự đổi thay cũng có 5 ngõ, 7 đường.
Tại sao ta không thể sống bình thản, an nhiên, tự tại, là chính mình?
Tại sao ta phải dựa giẫm, nương nhờ người khác mà không tự đứng trên đôi chân của mình một cách vững vàng?
Sống vì sự thật mà không cúi mọp trước những dối lừa, giả trá. Như những đứa trẻ sống hồn nhiên, chân thành, đồng điệu cùng những người bạn để cuộc sống có nhiều niềm vui và thảnh thơi. Khối đoàn kết, sự an toàn có nơi sự hiểu biết của nhân loại, của những người bạn chân thành,… chứ không phải ở nơi những cam kết suông, không nhiều giá trị. Hãy nên nhớ rằng nơi lối sống thực dụng có câu “Người không vì mình trời tru, đất diệt”!
Đừng dùng ngôn từ đãi bôi “Nâng lên một tầm cao mới” vì sẽ không ai biết tầm cao mới là ở nơi đâu? Tầm cao mới nó không có thật vì thế nó chỉ có giá trị nơi cửa miệng của một vài người hay nói cách khác nó không có giá trị nào cả và đôi khi nó sẽ khiến người khác dè bĩu, khinh miệt. Hãy thật sống khách quan, có hiểu biết! Nếu không thể lãng tránh, lẩn trốn một vấn đề nào đó thì hãy quả cảm, bình thản đối mặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đúng mực, dựa vào lẽ phải, sự thật cùng sự hiểu biết tổng thể, khách quan.
Lời thật dễ gây mất lòng người nhưng thuốc đắng mới dã tật.
Lẽ ra, có những chuyện nên tế nhị, nói nhỏ cùng nhau. .. Tin rằng những lời bàn ra, nói vào sẽ khiến các nhà quản lý xét đến những điều tôi đã trình bày và có một sự tìm hiểu đúng mực về những điều tôi đã viết.


Được đăng bởi Hồng Giang vào lúc 05:44