Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

BÀI CHỌN IN SÁCH QL



BẠN QUẾ LÂM GIỮA TRƯỜNG SƠN                                    
      
         Ở chung một lán giữa rừng Trường Sơn , có một người hơi đặc biệt. Anh ta mặc một bộ đồ nilông giống như lính từ miền Nam đi ra, nhưng lại đi vào. Một buổi sáng nọ thấy ngay sát đầu võng gẩn một gốc cây có một bãi phân tiêu chảy của ai đó. Điên quá bèn la lớn, chắc chắn không có ai đủ “dũng cảm” dám nhận chuyện này. Nhưng anh ta nhận ngay, nói là đêm không nhìn thấy gì và tìm đất lấp đầy vào cho khỏi hôi và ruồi. Thương hại, hỏi lại xem còn đau bụng không, anh ta nói là còn . Rất tiếc là số thuốc tiêu chảy trên đường đi đã cho hết, nên “sáng kiến” cho uống ít mật gấu anh em giao liên cho để chữa bong gân còn lại. Thế mà không lâu sau anh bạn hết đau bụng và cầm hẳn. Té ra là mật gấu còn chữa được cả bệnh đó nữa. Dược sĩ M ngừoi đi cùng bảo : Chẳng có sách nào dạy thế cả, ông đã trở thành thày lang băm(!) cho ít nhất một bệnh nhân đầu tiên, và chắc chắn là một người tốt, đáng được giúp đỡ. Thôi đi ông, đã vào đến đây rồi thì ai là xấu? Thật hả, nếu không có thằng nào dám nhận là mình đã “ị” bậy để rồi tự tay ông lấp đất hầu, thì ông tính sao? Ừ nhỉ! Hai đứa cười xòa trong sự “sáng suốt” của người này và sự “cả tin” của người kia.

      Đến trưa, thấy “người đau bụng” đã hết đau, rủ đi tắm.   Anh ta chần chừ bảo là không có quần áo thay. Có đây! Liền lấy cho anh ta bộ quần áo chưa dùng đến, có cả quần đùi. Anh ta hết lý do, miễn cưỡng đi theo. Ra đến suối, không thèm cởi quần áo, cứ lội đại xuống. Cởi ra mà tắm cho sạch! Anh ta chống chế bảo là đồ nilông mau khô. “Mau” đâu có nghĩa là “ngay”! Cứ cởi ra! Không biết có phải vì nhiều tuổi hơn hay vì là “ân nhân” nên đành nghe theo. Lý do cứ để cả quần áo mà tắm lúc ấy mới lộ rõ ra : Anh ta xăm mình! Nguyên cả bộ ngực không lấy gì làm vạm vỡ là một quả địa cầu to có cả kinh tuyến vĩ tuyến, ở trên đậu một con đại bàng đủ lớn vẽ rất kỹ các thứ lông và móng vuốt, đang tung cánh. Có lẽ là bên tay trái, một con rắn có vẩy như vẩy cá, chắc đây là một lòai thủy quái nào đó, quấn kín hết. Trước khi con rắn thò đầu lè lưỡi ra cổ tay, một vòng ngang khoanh lại như giữ cho nó khỏi chuồn mất, trong vòng có chữ số 1944, không nói cũng biết, đó là năm sinh của anh. Anh ta kém mình đến 4 tuổi. Liếc nhìn khá kỹ, nhưng làm bộ không để ý để không làm “kinh động”. Tắm xong, mặc quần áo khô vải thường vào, trông anh ta hiền như củ…khoai! Anh ta tên là H.
       Đêm đó H giăng võng nằm cạnh. Có ai đó đang dò đài transitor nghe tin tức. Đài dò qua sóng một buổi phát thanh tiếng Trung Quốc. Bảo anh ta dừng lại cho nghe. H hỏi : Anh cũng biết tiếng Trung Quốc à? Biết một chút vì hồi nhỏ có học ở bên đó. Trường nào, ở đâu? Trường Dục tài ở Quế Lâm. H chồm hẳn người dậy : Em cũng học Quế Lâm đây! Lớp học sinh miền Nam bé nhất trường, sang năm 1954. Thế à? Vậy cậu với tớ là đồng môn , đâu có gì xa lạ. Nhưng tớ học lớp lớn thứ 2 của trường, giữa hàng ngàn đứa, nên chúng ta không quen nhau là tất nhiên. Như để chứng thực cho lai lịch của mình cậu kể thêm : Anh còn nhớ dạo đó có mấy thằng nhóc nhớ nhà quá, lấy cơm cháy làm lương khô, rồi cứ theo đường xe lửa đi xuống phía Nam , làm cả trường một phen đi tìm “gần chết” không? Nhớ! Chú mày cũng thuộc lọai “ghê răng” đấy. Thế bây giờ anh đi vào đây với nhiệm vụ gì? Có thể vì bí mật không nói cũng được. Có gì mà phải không nói, tớ là họa sĩ! Thế có học ở trường mỹ thuật 42 Yết Kiêu không? Tất nhiên! Em cũng có quen một người ở trường mỹ thuật. Ai? LTH! Còn lạ gì, con bé học sơ trung điêu khắc đúng không? Mặt tròn tròn, mắt thật đen, quê QN. Hòan tòan đúng! Thế quen làm sao, người yêu chăng? H im lặng. Vào đến đây mà còn nhớ chứng tỏ là “sâu nặng” lắm. Nhưng nghĩ hơi tiếc là không biết H có phải là người cuối cùng chưa? Và giờ này có ai nhắc đến nó không? Đến đây thì cảm thấy rằng những trang đời của H, nếu càng lật thì như càng mở ra, gần gũi thêm . Đêm đã khuya hai anh em thống nhất còn gì kể, thì để dành đến ngày mai, bây giờ hãy im lặng cho mọi người ngủ. Chẳng ai  ngờ giữa Trường Sơn, lại có cuộc hội ngộ kỳ lạ này, mà bắt đầu lại là từ một đống…phân! Thật kỳ cục : Một kỷ niệm có thể là đẹp lại bắt đầu như thế !

     Sáng mai, sau khi đã ăn sáng, chính mình là người nóng ruột muốn nghe kể tiếp nên kéo H ra một góc rừng. H nói chiều nay em đã đi rồi, nên cả hai đều có nguyện vọng đươc trao đổi thêm. Sau khi nhấp một ngụm nước trà trong bình toong đã được bạn người muốn nghe là dược sĩ M chuẩn bị trước. M cũng không nén nổi tò mò ngồi cạnh. H kể : Em là con một, cha em, ông Nguyễn Nga nguyên là tiểu đòan  phó tiểu đòan 307 đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc em được đưa sang Trung Quốc học tại trường Quế Lâm cùng với mấy anh. Trường Quế Lâm giải tán, em về Đông Triều học ở trường Học sinh miền Nam . Học hết lớp 10, trở lại Trung Quốc học cơ khí ôtô. Học xong, về nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở Hà Nội công tác. Nhà máy có nhiều đợt tuyền quân, em đều xin đi, nhưng là con một nên không được đi. Em nhớ quê hương lắm, nên lần này cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện. Các chú biết không thể cản được, nên đành đồng ý cho nhập ngũ. Em thấy các anh để ý đến những hình xăm trên người em, vâng một thời nghịch ngợm của em là như thế. Nhìn vào đó có thể hiểu lầm em là người không đàng hòang. Nhưng các anh cứ yên trí , em là một kỹ sư có nhiều năm là lao động tiên tiến. Bộ quần áo nilông em mặc, chắc không phải là không gây nhiều thắc mắc. Nó có lý do riêng của nó. Một lần cách đây không lâu, trên đường đang hành quân đi vào, gặp một đòan xe vận tải, chiếc đi đẩu bị chết máy, cả đòan không nhúc nhích được vì đường rất chật. Thấy chỉ huy đòan đang tính tóan lật chiếc xe đó xuống vực, tiếc quá, bèn nổi máu nghề nghiệp, tách khỏi đòan, can thiệp liền. Lúc đầu chẳng ai tin em. Em chỉ nói là mình biết sửa xe thôi. Nhưng cũng sợ sửa lâu máy bay đến, cả đòan bị bom thì chết. Lúc ấy em mới nói em là kỹ sư cơ khí ô tô để các anh ấy tin hơn mà nấn ná cho sửa, nếu hòan tòan vô vọng hãy quyết định sau. Em biết đa số lính lái xe Trường Sơn chỉ biết lái thục mạng chứ đâu có biết sửa. Hỏng hóc này đâu có nặng , em kiểm tra có một sơi dây điện bị đứt ra bèn nối lại, cẩn thận bọc ni lông ra ngòai, đốt cho dính lại, đề phòng “mát” nữa, và bảo lái xe “đề” thử. Chiếc xe “khẹc” lên mấy tiếng và nổ máy rùng rùng giữa tiếng hoan hô của bao nhiêu người. Tưởng đã được vui vẻ chia tay, ai dè thủ trưởng đòan xe lại hỏi tên tuổi đơn vị và nói với giao liên, bổ sung đột xuất em vào đơn vị này. Ở “ngoài đời”, chuyện chuyển công tác đâu có dễ, thế mà ở đây chỉ trong nháy mắt là xong. Vậy là em đã tự “hại” em rồi. Em muốn về tận Long An miền Nam quê hương mình, chứ đâu có muốn ở Trường Sơn này, dù biết rằng ở đâu cũng là chiến đấu. Ngồi trên cabin móp méo của chiếc xe mới sửa, vừa chạy vừa muốn khóc. Được một tuần chạy đi chạy lại chở đủ mọi thứ trên cung đường “bực mình” đó, em thấy bao nhiêu đòan quân đi vào mà cứ nôn nao cả lòng. Định nhận một chiếc xe để tự chạy cho quên hết đi, nhưng sợ không thể dứt ra được nên lại thôi. Em đã tự quyết định sẽ rời khỏi đơn vị này khi có thời cơ. Một hôm chờ lấy xăng vì xăng bơm theo giờ, có một đòan lính đi vào ngồi nghỉ bên cạnh. Nghe có anh chỉ huy nói giọng miền Nam bèn tới hỏi thăm quê quán làm quen. May quá anh ấy đồng hương với em. Em trình bày vắn tắt trường hợp của mình. Chỉ huy nói với giao liên. Người giao liên bảo : Đi ra thì khó, chứ đi vào thì dễ ợt à. Xe còn chờ lấy xăng, em bỏ mọi thứ, tấp theo đòan quân đi luôn  Anh chỉ huy tìm đâu đươc một cái võng cho em. Ít lâu sau bị sốt rét phải vào trạm xá. Nhân có mấy anh từ miền Nam đi ra, em đổi lấy bộ quần áo ni lông làm lính miền Nam cho chắc ăn, giấy tờ tùy thân của đơn vị cũ còn nguyên si, và thề từ nay sẽ không thèm đụng đến chuyện xe cộ nữa. M từ lúc nãy ngồi im nghe, bây giờ vặn lai : Nếu gặp xe hỏng, không sửa  thì làm sao, đứng nhìn người ta chết à?Thì sửa,nhưng phải ra điều kiện để đừng bao giờ người ta vừa được“ăn”vừa đươc“gói” mang về như trường hợp đã xảy ra nữa. Cả ba phá lên cười, làm những người xung quanh chẳng hiểu gì cả.

      Chiều đến, chia tay. H lên đường về quê hương. Đòan của H đi khỏi trạm được khỏang một tiếng đồng hồ thì một trận bom tơi bời nổ dữ dội từ hướng đó vang lên. Chắc chắn đến 99,9% là trúng đội hình. Ai biết cánh “đại bàng” ấy còn không, để mà bay về tổ?
    
      Hôm sau, hành quân theo đúng con đường đó, thấy cây cối đổ ngổn ngang, có chỗ cây to chưa kịp dọn, phải chui qua. Có những bao gạo rách tươm, gạo đổ vung vãi. Thấy cả những chiếc dép râu đứt quai bị bỏ lại. Không ai dám hé răng hỏi giao liên lấy một nửa lời, cứ thế lẳng lặng đi qua. Vì chỉ nhìn thấy như thế cũng đủ biết rồi, ai lại hỏi quân ta chết bao nhiêu à? Mà chắc gì người ta đã nói. Trên con đường “trường chinh” này, có bao lần đã xảy ra như thế. Mất còn là tất nhiên. Chỉ tiếc cho H và nhiều người khác là không kịp về tới chốn mà các anh tha thiết mong có ngày trở lại để được chiến đấu ngay trong lòng quê mẹ!

NƠI MỘT NGƯỜI NGÃ XUỐNG

       Con đường mòn bộ đội thường hành quân xuyên qua rừng , rất nhiều cây lớn phủ bên trên trở nên mát mẻ lạ thường. Hôm nay phòng mỹ thuật giải phóng cử ngừoi đi lấy gạo về cho cơ quan. Cái bòng gạo nặng trĩu xiết vào vai và đè nặng trên lưng. Được lệnh nghỉ chân, không cởi bòng ra khỏi vai . nằm vật ngửa ra nghỉ ngáng ngang đường….lấy cái nón tai bèo che mặt cho đỡ chói, lơ mơ ngủ. Tự nhiên có ai đó đá vào chân và quát : Nằm dẹp vào đi ! Ngáng đường thế này ai mà qua được !...Lột cái nón che mặt, cái người to tiếng bất ngờ còn la to hơn : Anh Đồng !...Mình vụt đứng dậy, bụng bảo dạ : Không biết thằng nào giữa rừng thế này mà biết cả tên mình. Mình giương mắt nhìn mặt nó, chưa kịp phản ứng gì, nó lại nói còn to hơn : Em H Quế lâm đây mà, cò nhớ không ? Nhớ quá đi chứ, ông bạn! Hai anh em lại bị người thứ ba đứng đầu một đoàn dài dằng dặc đòi dẹp đường….Lôi nhau vào bên vệ đường ,H tranh thủ kể về đọan cuối vượt Trường sơn của H. Không để cho nó kịp bắt đầu, mình nói luôn : Tớ tưởng cậu chết trong trận bom hôm dó rồi chứ? Suýt chết, H trả lời ,cởi cài nón tai bèo ra ,chỉ vết sẹo bằng hai đầu ngón tay, không có tóc ở đỉnh đầu và nói thêm : Nó chỉ mới hỏi thăm sức khỏe em thôi! H kể luôn : Em được giao liên đưa về trạm cuối ở Ba Thu. Trạm tìm mãi không ra danh sách của đơn vị em. May quá, trong khi trò chuyện với ông tram trưởng em khai tên ba em là Nguyễn Nga , tiểu đòan phó tiểu đòan 307 thời chống Pháp, thì té ra ông ấy là bạn của ba em. Ông nhận em ngay vào trạm và sau đó giới thiệu vào dậy ở trường Quân chính cho đến bây giờ . Trường em đang hành quân, thôi nhé em đi!... Nói đi nhưng nó vẫn đứng tần ngần, hai anh em tự cảm thấy như còn thiêu thiếu cái gì… Mình hiểu ý là chưa có gì làm kỷ niệm bèn lấy tặng nó cây rút dép , nó thì tháo luôn con dao găm đang deo trên thắt lưng tặng lại. H tiếp tục hòa vào đơn vị và đi xa dần, xa dần...

Khỏang gần một năm sau, có dịp đi công tác qua Ba Thu, ghé vào trường Quân chính hỏi thăm H. Trực ban hỏi là H nào? ở đây có đến ba bốn H. Mình bảo H kỹ sư cơ khí ôtô ! Trực ban chỉ ra chỗ cây lúp súp giữa đồng nói : Đấy, cậu ta bị xe tăng Mỹ bắn hi sinh tại đó trong trận càn đầu năm 1970 ! 

Nỗi khao khát về tận quê hương Long An vừa chạm đến đất miền Nam đã tiêu tan là như vậy....



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét