Trang

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

KỶ NIỆM CHIẾN TRANH



CÁ LÓC ĐẠI HÀN    ( Cá quả, nói theo tiếng Bắc)                           
 
     Thật ra những chuyện “săn bắt” ở trong rừng không phải chỉ sảy ra khi “bom ngơi, đạn nghỉ” mà còn xảy ra ngay cả dưới bụng những con “cá rô”, “cá lẹp” Mỹ ( tên gọi hài hước cho trực thăng ) Thế mới biết : Trong bất cứ trường hợp nào, "phải sống”, vẫn là điều mạnh mẽ nhất.

      Năm 1970, một trận càn lớn , người ta thường gọi là trận càn Đông Dương, lại được tổ chức để tiêu diệt tận gốc cơ quan đầu não kháng chiến và một số đơn vị quan trọng của “VC" (Việt Cộng) mà mấy lần trước “các cậu” đã rắp tâm làm mà làm không được…

      Hầu như tất cả các đơn vị, đều phải phân tán lực lương để tránh thương vong tập trung, sau bước đầu đó mới từ từ rút hết sang đất Campuchia. Nếu “mình” mà là “nó” thì sẽ không bao giờ có trận càn biết chắc là “vô vọng” này, chỉ vì một lý do rất đơn giản : Tất cả Campuchia, chỗ nào có rừng là có VC, đến tận biên giới Thái Lan ! Làm sao mà nuốt cho nổi miếng mồi gai góc lớn như thế. Thường xuyên đi trên máy bay mà chẳng “thông minh” lên được chút nào. Có lẽ “tiềm năng hỏa lực” đã làm cho nó… “mờ mắt”(!).

     Hình như họa sĩ, lúc nào cũng mang trong mình sự hài hước, kể cả lúc giáp mặt với cái chết , mà xét cho cùng, cốt lõi của hài hước là tạo ra sự “bất ngờ” . B11 ( tên gọi tắt của Phòng Mỹ thuật Giải phóng ) chọn một địa điểm đóng quân tạm thời mới, mà theo kinh nghiệm “cổ điển chính thống” về bí mật quân sự thì như là một vụ “rỡn chơi”, nhưng từ khía cạnh khác mà xét, cũng có thể nói ngắn gọn : Chỉ là …đường cùng. Một khu rừng nhỏ, thấp, bao bọc xung quanh một bên là trảng trống, một bên là suối nước và những con đường mòn cắt ngang, làm nó bị cô lập hòan tòan, mà bất cứ nhà chiến lược “bã đậu” nhất nào cũng từ chối! Có những chỗ khi đứng dưới, chỉ vạch một lớp lá cây ra là đã thấy…trời, không một xăngtimét an tòan. Là căn cứ nên cũng có hầm và chiến hào đầy đủ. Cơm thì che lửa nấu từ khuya, cho cả ngày, rồi dội nước vào lửa cho hết khói, mờ sáng là đã lặng như …tờ. Hàng ngày, 2 trực thăng “cá rô”, cặp khó chịu nhất trong bộ 5, bay sát ngọn cây thấp, cứ theo những chỗ trống mà rà tới rà lui, và hầu như chúng nó cứ bay qua căn cứ tạm của B11, để chú ý tới chỗ khác mà chẳng mảy may nghi ngờ gì dưới bụng. Có lần tò mò vạch lá ra xem, thì hình như nó ở ngay trước muĩ với một thằng lính rất đẹp trai ngồi sát cửa. Nó đi tìm mình, mình đi trốn nó, cứ như chuyện  con nít chơi ú tim…Mấy người có kinh nghiệm bảo : Đó là thằng lính bằng cao su để lừa mình đấy. Bắn vào nó, chẳng chết con ma nào, nhưng hỏa lực bị lộ là cả đám nó ào tới “mần thịt” mình liền… à! Lên “sàn diễn” với VC mà có “hóa trang” kỹ lưỡng như vậy thì cũng xin chào thua “lòng yêu nghề” mang tính… “chuyên nghiệp” cao. Chỉ có điều “ của lạ” không “sài” được lâu, có khi trở thành trò hề…



      Còn một thói quen với các chú lính “nhóc” trong cơ quan là cứ đúng những dịp “chộn rộn” như thế này mà “chí choé” giành nhau súng chống tăng B40 để làm dũng sĩ. Nhưng trong trường hợp phải bảo vệ lực lượng, thì cấm, không ai mượn “khiêu chiến” cả. “Lạng quạng” hy sinh rồi cũng còn bị kỷ luật.

      Mùa mưa đang chờ ở đâu đó, đột nhiên ập đến, không một dấu hiệu báo trước. Mưa suốt đêm, mọi người, lớp ướt, lớp ồn, không tài nào ngủ được. Cây mưa đầu mùa làm nước suối dâng lên và nước trên những ruộng cao chảy xuống ào ào như thác, theo những con mương tự nhiên cố định, hình như cho năm nào cũng vậy. Bỗng bên kia suối đối diện với chỗ ở, trên một con mương như thế, có tiếng người vọng sang , trong mưa và trời tối nghe không rõ, nhưng chắc chắn không phải là tiếng Việt, cũng chẳng phải là tiếng Mỹ.  Có người bảo đó là tiếng Đại hàn, biệt kích Đại Hàn. Đêm mưa mà cũng chăm chỉ đi “mần ăn” như thế sao ? Nghe có lý, tất cả những người còn ngái ngủ tỉnh dậy thật nhẹ nhàng, tránh không gây tiếng động khác ngoài tiếng mưa, cuốn gọn hết mùng mền cho vào bòng. Các cô gái và ai không có vũ khí, lui ra chiến hào phía sau. Tất cả hỏa lưc tập trung hết xuống chiến hào phía trước, chuẩn bị chiến đấu. Lực lượng địch không biết có bao nhiêu, nhưng tất nhiên là sẽ có phi pháo yểm trợ. Quân ta chỉ có hơn 10 tay súng AK, 1 B40, thêm 1 carbin M1"èo uột" bắn "tự động" phát một, với duy nhất một băng đạn không đầy cuả TC, và một số ít lựu đạn, bố trí thành một tuyến ngang duy nhất, chưa đầy 20 mét. Lúc “bình thường” thì như thế là “đẹp”, còn bây giờ…không biết bao nhiêu cho vừa! Nhưng dù sao thì so với thời còn du kích cả cơ quan chỉ có vài khẩu súng, thì giờ đây thế cũng là quá "sang" rồi! Cũng không trách được, vì đây chỉ là một đơn vị “dân chính” độc lập, đi tạo sự bất ngờ, lại bị bất ngờ. Đối với mình, chưa đánh đấm bao giờ nên cũng...run, nhưng nhờ có đồng đội, có vũ khí nên yên tâm hơn. Hàng ngày mình thân thiết với khẩu AK như thế, nhưng chưa bao giờ mình lại nghĩ nó như ân nhân, hơn thế nữa như cứu tinh như bây giờ...Được chiến đấu, cho dù chỉ là tự vệ, cũng sướng chán rồi !

      Chuyện nổ súng là chắc chắn, vì sáng ra ắt là thấy “mặt” nhau, không chiến đấu, bị bắt “sảng” là điều không ai muốn, người phụ trách cơ quan là họa sĩ TP phải tự chịu trách nhiệm khi hạ lệnh: Cứ dồn hết hỏa lực, tận dụng thế  bất ngờ dập cho nó một trận phủ đầu, được thằng nào hay thằng nấy, rồi rút nhanh tránh phi pháo cũng kịp. B11 không phải là đơn vị chiến đấu chuyên nghiệp nên đánh kéo dài sẽ không đủ kinh nghiệm, không đủ đạn, và nhất là không đủ người… Nhưng về mặt tâm lý, chỉ riêng một chuyện "được" tự vệ, mặt đối mặt với kẻ thù bằng hoả lực cuả chính mình, dù là khiêm tốn, cũng làm cho mọi người thấy không còn biết sợ là gì. Có người còn nghĩ chuyện này giống như "trò chơi", dù là trò chơi "chết người"...

      Nhưng càng về sáng, tiếng Đại Hàn rù rì râm ran càng bớt dần, như chúng không còn đủ “hứng chí” cho một cái gì đó, hoặc không lẽ chúng đã phát hiện được quân ta rồi bỏ “mặt tiền” mà bọc “mặt hậu”? Quan sát phía sau cũng hòan tòan yên ắng. Nhưng để phòng hờ, vài ba tay súng cũng đã được điều về tuyến sau và được dặn phải quan sát thật kỹ, nếu gần, đủ tầm bắn thì bắn liền, phía trước sẽ lập tức hỗ trợ. Đồng thời cử họa sĩ PMS đi trinh sát nắm tình hình phía trước. PMS nhỏ con,  nổi tiếng “lỳ” và là một thiện xạ.

    
Cái vách bờ suối bên kia gần như thẳng đứng, nhưng rễ cây lớnnhỏ 
nhằng nhịt cứ như cái thang trời đã chuẩn bị sẵn cho, leo lên khá dễ dàng. Tự nhiên một cái rễ cây nhỏ không chịu được trọng lượng dù không nặng nề gì lắm của chiến sĩ trinh sát PMS, đứt nghe cái “bựt”, đất cát rơi xuống nước “lủm bủm” làm cả đám “thót tim”, chửi thầm: Đ…mẹ, trinh sát gì mà đi như con…c. Nhưng chẳng nghe phản ứng gì cả, tiếp tục đi rón rén, và khuất vào một bụi cây. Chưa đầy phút sau, anh ta lội ào ào, ngươc trở ra, không còn ý tứ gì nữa, cầm súng bằng cả hai tay giơ trên đầu như đầu hàng, nhẩy tưng lên, la : Cá! Cá! Mọi người đâm ra nghi ngờ, tửơng mình nghe lầm, chưa biết chuyện gì mà lại “cá cá”. Hai người nữa bán tín bán nghi, mang súng theo, lội sang, trèo “thang” rào rào, đi về phía PMS chỉ, cũng một lúc quay ra và lấy tay làm loa la lớn : Không có “gì” đâu, bên này nhiều cá lắm! Sự chờ đợi cuộc đụng độ bất đắc dĩ 100% là sẽ tới, nhão hẳn,và bắt đầu …tan ra. TC mủm mỉm cười và chửi thề lơ lửng : Đ…má, cứ tưởng cái gì, hóa ra…Nghe rõ là cá, nhưng cá thế nào thì… tất cả buông súng , ào sang mới biết.

       Đây là cái mương mà hàng năm, đến cây mưa đầu mùa, người Campuchia thường đến bắt cá. Cá lóc nhiều vô kể, con nào con nấy bằng bắp chân thi nhau lội ngược từ suối lên đồng, tìm chỗ đẻ. Người ta giăng những cái đăng sát vào nhau, lấy vợt xúc như xúc cá nuôi trong bè, bắt được nhiều bao bố, vì đã làm cả đêm như vậy. Quân ta được “xả cản” cực kỳ hăng hái, lấy mùng làm lưới đi bắt “vét” cũng được một “khạp” đầy cá lóc nhỏ hơn mà người ta không thèm bắt. Những người đi bắt cá hồi đêm, nói tiếng Khme..r đàng hòang mà nghe trong mưa gió, lại thành tiếng Đại Hàn, đúng là “thần hồn nát thần tính”... Mà “ ba chớp ba sáng” thật đấy, có ai được nghe thấy tiếng của lính Đại Hàn bao giờ đâu! Chỉ biết chúng là ác chúa ở miền Trung…chứ đâu có biết chúng chưa hề “viếng thăm” miền Đông Nam bộ này lần nào.

       Nướng “trui” hết “cá lóc Đại Hàn” rồi mới rút vào rừng Miên sâu hơn nữa. Hơn muời tay súng họa sĩ cùng với “bàu đòan thê tử”, tạm vui vẻ đi về hướng Tây, như vừa thắng xong một trận… diễn tập với tình huống như thật. “Bái bai” mấy “em” trực thăng! Tuy chúng tớ biết rồi, nhưng cứ để mấy thằng lính cao su gác cửa cho vui. Ở lại nhớ “thuộc bài”, rồi cứ rỉ rả mà… “tìm và diệt” * nhé!

* Tên gọi một chiến thuật của Mỷ



1 nhận xét:

  1. Kể chuyện chiến tranh nhưng không có tiếng súng, không có máu me...Lạc quan giữa trận mạc. Tuy vậy vẫn nhận ra một sự thật: chiến tranh tuyệt đối không phải là một cuộc dạo chới, dù là với các nghệ sĩ hết sức bay bổng !

    Trả lờiXóa