NGƯỜI MẶT XANH
Hàng tuần mình đều nhận được báo biếu Văn nghệ TPHCM. Hôm rồi, trong số 298 gần đây nhất đăng bài kỷ niệm ngày sinh Lênin 24 tháng 4. Ngày tháng này năm 1972 gắn liền với cái chết vụt qua trong gang tấc, mình chẳng bao giờ có thể quên được ! Nhân kỷ niệm 39 năm ngày 30 tháng 4, kể lại chuyện ấy để các bạn nghe một ngừơi "trong cuộc" với "hòan cảnh" riêng của mình, nghĩ gì....
Năm 1972, có lẽ từ tháng 3 , mùa khô, chiến dịch Nguyễn Huệ mà đối phương gọi là "Mùa hè đỏ lửa" nổ ra, mình là họa sĩ của Ban Tuyên Huấn TW cục đi phối thuộc với trung đòan 3 sư đòan 5 QGP ở mặt trận An Lộc ( miền Đông Nam Bộ )
Đúng ngày này, khỏang gần 9 giờ sáng, một anh trong BCH trung đòan bảo mình vẽ giùm chân dung Mác & Lênin để chiều làm lễ kết nạp Đảng cho một số đ/c. Chân dung Bác Hồ thì họ có rồi !
Mình nghĩ : có chân dung Bác Hồ là được rồi, lại còn.... Sẵn có họa sĩ, đòi "chơi sang" đây!...
Mình chẳng có cái ảnh mẫu nào, các ông ấy cũng chẳng đưa mẫu cho mình. Tất nhiên phải vẽ theo trí nhớ rồi, mà mình thì chưa từng làm việc này bao giờ....Đành tự nhủ : Cứ thử một chút, nếu không được thì báo từ chối ngay !
Mang giấy và than vẽ ra bắt đầu loay hoay được ít phút thì nghe thấy tiềng nổ lốp bốp vang lên trên đồi, trước mình đã bị kiểu này rồi nên biết đó chính là tiếng bom B52 nổ gần...Sẵn ngồi cạnh một cái hầm rất kiên cố, trong đã có 3 người : Một anh bộ đội tối qua đi đánh đồn lạc đơn vị quần áo mặt mày đen nhẻm khói đạn, tạt qua nấu trà,cùng uống (chất đốt là thuốc mìn Claymo), anh kia tên Cương văn thư Trung đòan, có vợ và 2 con nhỏ ở Hà nội. Trước khi đi bộ đội là giáo viên, anh nữa không biết tên. Mình định nhảy vào cái hầm đó nhưng tự nhiên lại nghĩ : Hãy về hầm của mình chỉ cách đó có vài mét ( hầm ai nấy nhảy... đã như một "lời nguyền" )
Lúc này bom đã nổ chát chúa xung quanh. nằm xuống, bò..., thấy mủ cao su và cành cây lá cây vụn hăng hắc đang rơi lộp bộp khắp người! ( đóng quân trong rừng cao su mà ) Nhòai mấy cái nữa rút được hai chân xuống hầm của mình thì thấy trời đất tối sầm rồi vụt sáng bừng...Cái bình toong Mỹ đeo ở thắt lưng "tự động" mở nắp, giựt khỏi xanh tuya, đổ nước ồng ộc trườc mặt. Nửa thân dưới bị lấp đầy đất đỏ... Không kịp sợ, tự trấn tĩnh : Có lẽ mình cụt 2 chân rồi, nghe nói lúc mới bị thương thì rất tỉnh và ...không đau ! Thử cụ cựa một cái chân, rút lên còn y nguyên, cái kia nữa...cũng còn nguyên cả dép (!).... Mình chợt nhớ ra cái túi vẽ, cả "gia tài vũ khí" của mình là ở đó, chứ không phải khẩu súng lục K54 giắt bên mình cho oai...mình hớt hải chui ra khỏi hầm thì nhìn thấy xung quanh nhiều giấy rách trắng xóa... Thôi rồi, lượm những tờ giấy rách lên, thấy là giấy đánh máy pơluya không phải giấy vẽ dày của mình.... Cái túi đồ vẽ của mình đã hòan tòan biến mất !...Quan sát lại điạ hình xung quanh thấy tòan là đất đỏ. Rừng cao su chẳng còn lấy một "miếng", cái hầm văn thư kiên cố có ba người trúng nguyên một trái bom, miệng trái bom ấy cách miệng hầm của mình chưa được 4 gang tay! Nếu mình chỉ chậm nửa giây thì đã ...tan "xác pháo" ! Cái hầm của mình là hầm chữ T "hóa giải" sức ép nên không bị hộc máu mồm máu mũi và không bị điếc tai. Thế mới "tài" !!
Có một "nhiếp ảnh gia" mắt lé ở cùng hầm, mình không để ý, lúc đó mới lên tiếng hỏi : Chúng nó có sao không? Mình buột miệng chửi ( ở chiến trường, đụng tý là chửi ) : Đ m... lên mà xem, nó bay về Mỹ mẹ nó rồi còn nằm ở đó mà ...léo xéo !!!
Lúc chưa bị bom, đang loay hoay tính vẽ cụ Mác cụ Lê thì thấy đến 5,6 anh chiến sĩ thông tin đi rải dây điện thọai nói chuyện gì đó bên cạnh. Bây giờ không còn một ai ...chỉ còn tay, chân, ngực, rời ra dính tí quần áo rách, không có cái đầu nào....thịt người đỏ như thịt...bò, lần đầu tiên mình thấy như thế. Một anh có lẽ là sĩ quan của đơn vị thông tin đi tới, chỉ đống thịt bảo : Đó là tử sĩ của đơn vị các anh! Mình bảo : Đơn vị tôi có 3 người ở trong hố bom này rồi, ngòai hai người chúng tôi còn sống, tất cả đều đi tải đạn chưa về...Mấy người đi lấy một tấm ni lông che mưa rải xuống đất, gom đống tay chân... đó lại, và anh chỉ huy kia túm tất cả chỗ xương thịt ấy cho gọn, chắc mang đi đâu đó chôn !
Một lúc sau T lính trong tổ văn thư về, nhìn qua chúng tôi một giây rồi nhẩy đại xuống cái hố bom đã ăn hết cả cái hầm văn thư, loay hoay đưa lên một nửa chiếc dép râu bị bom cắt ngọt theo chiều dọc và một nhúm thit của 3 người.T nghe đâu lấy được một chiếc võng và một chiếc nón cối của ai đó gói nhúm thịt, bỏ vào nón cối và đem chôn ở một gốc cây cao su nào đó...
*
* *
Năm 2012, một anh thiếu úy bộ đội trẻ măng, cháu của anh Cương đến HMT TP tìm mình theo sự giới thiệu của T ( sau này T đã học ĐHMT hành họa sĩ ) Thiếu úy chắc chưa được sinh ra khi anh Cương hy sinh. Anh ấy đề nghị mình đi cùng để tìm "mộ" liệt sĩ Cương. Mình kể chuyện "tai nghe mắt thấy" lúc Cương và 2 người nữa hy sinh cùng hầm và khuyên không nên đi vì đi cũng chẳng để tìm cái gì.... Anh thiếu úy cứ đi và hôm lên đến vùng cho là trận địa cũ gọi điện thoại cho mình với ý "óan trách". Trong lúc không bình tĩnh anh ấy nói luôn : Chú T nói hồi ấy sau trận B52 mặt chú xanh chành à...( nói như để ...miệt thị !) Mình trả lời : T đã nhìn thấy thế thì chắc là đúng,lúc ấy có gương đâu mà soi để biết mặt mình xanh đỏ như thế nào? Chuyện "tìm mộ" chấm dứt .
Mình mong cho cậu cháu thiếu úy với quân hàm, quân hiệu, phù hiệu quân phục ...cứ luôn được sạch sẽ tinh tươm như thế, không bao giờ bị vùi trong đất đỏ như tụi mình và giữ nguyên được lòng "dũng cảm" được "giáo dục" trong thời bình...Đấy mới chỉ là "mặt xanh", còn nếu lỡ sợ quá mà khóc rống lên và chắp tay vái Trời vái Phật lia lịa, ( mà không phải ở đâu đó đã không xảy ra ), thì bây giờ có khi còn là một sự..."phản bội" cũng nên (!?)
Còn cái mặt "xanh như đít nhái" của mình có mang cho đến ngày nay từ khi nhìn thấy cái đống thịt người đỏ như thịt bò kia, thì cũng chẳng làm mất danh dự của QĐNDVN một tí nào vì lúc nào mình cũng chỉ là họa sĩ...dân chính, dù có lúc đã cùng các chiến sĩ quân đội ở trên "cùng một chiến hào" như vậy ! Và hơn thế nữa, với mình : Đây là vinh quang duy nhất : Có bao nhiêu người may mắn trở về sau chiến tranh mà không bị sứt mẻ đến cái lông chân... như mình ???
MẶT XANH NHƯ ĐÍT NHÁI |