Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NHÂN KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY 30 THÁNG 4



NGƯỜI MẶT XANH


Hàng tuần mình đều nhận được báo biếu Văn nghệ TPHCM. Hôm rồi, trong số 298 gần đây nhất đăng bài kỷ niệm ngày sinh Lênin 24 tháng 4. Ngày tháng này năm 1972 gắn liền với cái chết vụt qua trong gang tấc, mình chẳng bao giờ có thể quên được ! Nhân kỷ niệm 39 năm ngày 30 tháng 4, kể lại chuyện ấy để các bạn nghe một ngừơi "trong cuộc" với "hòan cảnh" riêng của mình, nghĩ gì....



Năm 1972, có lẽ từ tháng 3 , mùa khô, chiến dịch Nguyễn Huệ mà đối phương gọi là "Mùa hè đỏ lửa" nổ ra, mình là họa sĩ của Ban Tuyên Huấn TW cục đi phối thuộc với trung đòan 3 sư đòan 5 QGP ở mặt trận An Lộc ( miền Đông Nam Bộ )

Đúng ngày này, khỏang gần 9 giờ sáng, một anh trong BCH trung đòan bảo mình vẽ giùm chân dung Mác & Lênin để chiều làm lễ kết nạp Đảng cho một số đ/c. Chân dung Bác Hồ thì họ có rồi ! 

Mình nghĩ : có chân dung Bác Hồ là được rồi, lại còn.... Sẵn có họa sĩ, đòi "chơi sang" đây!...

Mình chẳng có cái ảnh mẫu nào, các ông ấy cũng chẳng đưa mẫu cho mình. Tất nhiên phải vẽ theo trí nhớ rồi, mà mình thì chưa từng làm việc này bao giờ....Đành tự nhủ : Cứ thử một chút, nếu không được thì báo từ chối ngay !

Mang giấy và than vẽ ra bắt đầu loay hoay được ít phút thì nghe thấy tiềng nổ lốp bốp vang lên trên đồi, trước mình đã bị kiểu này rồi nên biết đó chính là tiếng bom B52 nổ gần...Sẵn ngồi cạnh một cái hầm rất kiên cố, trong đã có 3 người : Một anh bộ đội tối qua đi đánh đồn lạc đơn vị quần áo mặt mày đen nhẻm khói đạn, tạt qua nấu trà,cùng uống (chất đốt là thuốc mìn Claymo), anh kia tên Cương văn thư Trung đòan, có vợ và 2 con nhỏ ở Hà nội.  Trước khi đi bộ đội là giáo viên, anh nữa không biết tên. Mình định nhảy vào cái hầm đó nhưng tự nhiên lại nghĩ : Hãy về hầm của mình chỉ cách đó có vài mét ( hầm ai nấy nhảy... đã như một "lời nguyền" )

Lúc này bom đã nổ chát chúa xung quanh. nằm xuống, bò..., thấy mủ cao su và cành cây lá cây vụn hăng hắc đang rơi lộp bộp khắp người! ( đóng quân trong rừng cao su mà ) Nhòai mấy cái nữa rút được hai chân xuống hầm của mình thì thấy trời đất tối sầm rồi vụt sáng bừng...Cái bình toong Mỹ đeo ở thắt lưng "tự động" mở nắp, giựt khỏi xanh tuya, đổ nước ồng ộc trườc mặt. Nửa thân dưới bị lấp đầy đất đỏ... Không kịp sợ, tự trấn tĩnh : Có lẽ mình cụt 2 chân rồi, nghe nói lúc mới bị thương thì rất tỉnh và ...không đau ! Thử cụ cựa một cái chân, rút lên còn y nguyên, cái kia nữa...cũng còn nguyên cả dép (!).... Mình chợt nhớ ra cái túi vẽ, cả "gia tài vũ khí" của mình là ở đó, chứ không phải khẩu súng lục K54 giắt bên mình cho oai...mình hớt hải chui ra khỏi hầm thì nhìn thấy xung quanh nhiều giấy rách trắng xóa... Thôi rồi, lượm những tờ giấy rách lên, thấy là giấy đánh máy pơluya không phải giấy vẽ dày của mình.... Cái túi đồ vẽ của mình đã hòan tòan biến mất !...Quan sát lại điạ hình xung quanh thấy tòan là đất đỏ. Rừng cao su chẳng còn lấy một "miếng", cái hầm văn thư kiên cố có ba người trúng nguyên một trái bom, miệng trái bom ấy cách miệng hầm của mình chưa được 4 gang tay! Nếu mình chỉ chậm nửa giây thì đã ...tan "xác pháo" ! Cái hầm của mình là hầm chữ T "hóa giải" sức ép nên không bị hộc máu mồm máu mũi và không bị điếc tai. Thế mới "tài" !! 

Có một "nhiếp ảnh gia" mắt lé ở cùng hầm, mình không để ý, lúc đó mới lên tiếng hỏi : Chúng nó có sao không? Mình buột miệng chửi ( ở chiến trường, đụng tý là chửi ) : Đ m... lên mà xem, nó bay về Mỹ mẹ nó rồi còn nằm ở đó mà ...léo xéo !!!

Lúc chưa bị bom, đang loay hoay tính vẽ cụ Mác cụ Lê thì thấy đến 5,6 anh chiến sĩ thông tin đi rải dây điện thọai nói chuyện gì đó bên cạnh. Bây giờ không còn một ai ...chỉ còn tay, chân, ngực, rời ra dính tí quần áo rách, không có cái đầu nào....thịt người đỏ như thịt...bò, lần đầu tiên mình thấy như thế. Một anh có lẽ là sĩ quan của đơn vị thông tin đi tới, chỉ đống thịt bảo : Đó là tử sĩ của đơn vị các anh! Mình bảo : Đơn vị tôi có 3 người ở trong hố bom này rồi, ngòai hai người chúng tôi còn sống, tất cả đều đi tải đạn chưa về...Mấy người đi lấy một tấm ni lông che mưa rải xuống đất, gom đống tay chân... đó lại, và anh chỉ huy kia túm tất cả chỗ xương thịt ấy cho gọn, chắc mang đi đâu đó chôn !

Một lúc sau T lính trong tổ văn thư về, nhìn qua chúng tôi một giây rồi nhẩy đại xuống cái hố bom đã ăn hết cả cái hầm văn thư, loay hoay đưa lên một nửa chiếc dép râu bị bom cắt ngọt theo chiều dọc và một nhúm thit của 3 người.T nghe đâu lấy được một chiếc võng và một chiếc nón cối của ai đó gói nhúm thịt, bỏ vào nón cối và đem chôn ở một gốc cây cao su nào đó...

                                             *
                                         *       *

Năm 2012, một anh thiếu úy bộ đội trẻ măng, cháu của anh Cương đến HMT TP tìm mình theo sự giới thiệu của T ( sau này T đã học ĐHMT hành họa sĩ ) Thiếu úy chắc chưa được sinh ra khi anh Cương hy sinh. Anh ấy đề nghị mình đi cùng để tìm "mộ" liệt sĩ Cương. Mình kể chuyện "tai nghe mắt thấy" lúc Cương và 2 người nữa hy sinh cùng hầm và khuyên không nên đi vì đi cũng chẳng để tìm cái gì.... Anh thiếu úy cứ đi và hôm lên đến vùng cho là trận địa cũ gọi điện thoại cho mình với ý "óan trách". Trong lúc không bình tĩnh anh ấy nói luôn : Chú T nói hồi ấy sau trận B52 mặt chú xanh chành à...( nói như để ...miệt thị !) Mình trả lời : T đã nhìn thấy thế thì chắc là đúng,lúc ấy có gương đâu mà soi để biết mặt mình xanh đỏ như thế nào? Chuyện "tìm mộ" chấm dứt .

Mình mong cho cậu cháu thiếu úy với quân hàm, quân hiệu, phù hiệu quân phục ...cứ luôn được sạch sẽ tinh tươm như thế, không bao giờ bị vùi trong đất đỏ như tụi mình và giữ nguyên được lòng "dũng cảm" được "giáo dục" trong thời bình...Đấy mới chỉ là "mặt xanh", còn nếu lỡ sợ quá mà khóc rống lên và chắp tay vái Trời vái Phật lia lịa, ( mà không phải ở đâu đó đã không xảy ra ), thì bây giờ có khi còn là một sự..."phản bội" cũng nên (!?)

Còn cái mặt "xanh như đít nhái" của mình có mang cho đến ngày nay từ khi nhìn thấy cái đống thịt người đỏ như thịt bò kia, thì cũng chẳng làm mất danh dự của QĐNDVN một tí nào vì lúc nào mình cũng chỉ là họa sĩ...dân chính, dù có lúc đã cùng các chiến sĩ quân đội ở trên "cùng một chiến hào" như vậy ! Và hơn thế nữa, với mình : Đây là vinh quang duy nhất : Có bao nhiêu người may mắn trở về sau chiến tranh mà không bị sứt mẻ đến cái lông chân... như mình ???


MẶT XANH NHƯ ĐÍT NHÁI


8 nhận xét:

  1. Phạm Đỗ Đồng ĐƯỢC hay BỊ , HƠN hay THUA chúng ta là bạn ấy đã tắm mình vào giữa cái chảo hầm thịt người mà vẫn còn hình hài trở về với gia đình, vợ con và với chúng ta . Riêng điều này, với tôi ĐĐ là Dũng sĩ là người tôi ngưỡng mộ ! Điều chắc chắn hơn chúng ta là Đồng có vốn sống cực giầu có. Đọc những mẩu ngắn của Đồng - Nửa như ký nửa như truyện. Đúng hơn là những phác thảo hay những ký họa để làm chất liệu, biết đâu Đồng đang thai nghén một cuốn tiểu thuyết dài hơi ? Nhưng chỉ bằng những "phác thảo" như thế người đọc hiểu được Đồng đang suy nghĩ điều gì đó lớn lao hơn. Con NGƯỜI hơn là những hồi ức tự đề cao mình kiểu " ăn mày dĩ vẵng" . Hay những vị "nghe kể đâu đó" rồi tưởng tượng mà dàn dựng ra một cách ngô nghê . Ở hồi ký này ( tôi gọi là hồi ký vì nó mang tính chân thực rõ ràng : địa danh, tên người, tên đơn vị ...), tác giả đã nói lên một sự thật : chiến tranh không phải là 1 cuộc dạo chơi của những kẻ ưa mạo hiểm. Chiến tranh trong ký ức Đỗ Đồng luôn luôn là thảm họa cho dân tộc và cho mỗi con người. Trong tất cả các cuộc chiến tranh, kẻ chiến bại luôn luôn là nhân dân ! Sự sợ hãi - dù có mặt xanh như đít nhái, thì cũng rất con người- Và đó mới là " Tính chân thực - một thuộc tính mang tính phổ quát của Văn học nhân loại . Tôi nhớ, trên VTV năm nào đến " Chiến thắng Điên Biên trên không" cũng lôi ông tướng ấy ra. Hình như nói nhiều quá, cạn ý nên lần ấy ông trả lời cô MC xinh đẹp, đại ý : ngày nào trên bầu trời HN không có tiếng máy bay Mỹ là chúng tôi ...cảm thấy ...buồn ! . Ông ấy có khi nào mặt xanh như đít nhái không nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giữa sự sống và cái chết, chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé !!!! Có thể có nhiều người trong chúng ta đã vượt qua được sự sợ hãi để trở thành...ANH HÙNG ! Nhưng số người đó thật sụ không nhiều, không chiếm số đông !

      Xóa
  2. Tôi nghĩ đasố là muốn sống và sợ chết ,tôi cũngvậy .Thời kì MỸ đánh phá miền Bắc người ta phân công tôi làm nhiệm vụ trực chiến trên gác thượng ĐHBK Hà nội :bắn máy bay bằng súng trường và đếm bom ,xem máy bay thả bao nhiêu quả bom ,đã nổ bao nhiêu , những quả chưa nổ rơi xuống khu vưc nào .Nói thực tôi rất sợ tiếng bom rít ,còn hồn vía đâu mà đếm cho chính xác ,có thời tôi lại bị cử đi công tác ở ga YÊN VIÊN -túi đựng bom với yêu cầu giúp nhà ga các phương án giải phóng hàng nhanh ...Thời ấy người ta phân công mà không làm là hết đời ,hết mọi thứ .Sau này mới biếtlà người ta ghét mình nhưng mang danh thử thách nên toàn đẩy mình vào chỗ nguy hiểm .Tất nhiên so với PĐĐ thìcòn an toànhơn .
    Như vậy cả ĐĐ và DH ,hai vợ chồng đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của sự sống, các bạn được ĐẤNG LINH THIÊNG nào đó trợ giúp,chắc các bạn đã làm được nhiều điều thiện !
    ĐĐ có duyên viết hồi ký đấy ,tiếp tục nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình tin là sống chết có ....số, chẳng bao giờ theo đúng ý muốn của mình : Cái hầm kiên cố mà mình nói do các bạn rất khỏe đi cưa tòan cât tươi, to làm nắp, còn cái hầm của mình làm nóc bằng cành cây khô, to lắm là bằng bắp chân! Khi đào hầm chỗ của mình bị nắng phải đi chặt một cành lá thật to để che. Mấy bạn cùng hầm cằn nhằn mãi, bảo là sao mình ngu, lại nhận chỗ nắng như thế ! Duy Khắc cũng bị thử thách thật "ác"! Nhưng cũng một lần thấy được :"lòng người" (!)

      Xóa
  3. chào cụ Đ Đ! tôi nghĩ một trong những điều kì diệu của con người trong chiến tranh là cụ đã sống và trở về được sua chiến tranh! bom nổ cạnh cụ chưa đầy 1 m mà cụ trở về nguyên vẹn..Có lẽ cụ MAC và cụ LÊ che chở cho cụ sống để còn vẽ chân dung 2 cụ!
    xin bái phục cụ ! để sau gần 40 năm chung ta lại có thể lên mạng nói chuyện với nhau. chúc cụ sống thêm ít nhất 39 năm nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bom nổ cạnh chưa đầy 1m mà vẫn còn sống, không đi61c tai, hộc máu mồm máu mũi gì...chuyện cứ như nói phét ! Nhưng xin nhớ lúc ấy mình đã nằm dưới hầm, cái hầm chữ T có lỗ thông hơi, tránh sức ép ! Mà có lẽ không cụ Mác cụ Lê thì cũng là Trời Phật phù hộ độ trì rồi ! Xin cảm ơn bạn !!!

      Xóa
  4. Nội dung này tôi đã được đọc trong hồi ký của Đỗ Đồng ở blog Yahoo! cũ, nay đọc lại đoạn tả chỉ còn các mẩu chân, tay vẫn thấy rùng rợn vô cùng. Bạn ĐĐ đã trải qua những thử thách vô cùng khốc liệt của chiến tranh mà vẫn còn nguyên vẹn trở về. Thật may mắn và hạnh phúc. Tôi rất khâm phục bạn. Chắc bạn sẽ thọ rất lâu cùng với Diệu Huyền, người cũng đã hết sức dũng cảm vượt qua và chiến thắng tử thần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LTH nhớ dai ghê ! Trong bài này mình thêm chi tiết cậu cháu thiếu úy và từ đó mới biết mình lúc đó có cái mặt "xanh như đít...nhái" Xin cảm oơn bạn thật nhiều !!!

      Xóa